Có lẽ không có hòn đảo nào trên đất nước lại có được những dòng sông, con rạch nhiều và lớn như ở đảo Phú Quốc. Nếu có dịp thăm Phú Quốc, bạn hãy thuê thuyền nhỏ thực hiện một chuyến đi ngược lên thượng nguồn tham quan 2 con sông lớn và tiêu biểu nhất Của
Phú Quốc.
Sông Dương Đông là một trong hai con sông lớn nhất của hòn đảo tuyệt đẹp này. Chuyến đi bắt đầu từ cửa sông, nơi dòng sông gặp nhau với biển cả. Từ biển nhìn vào, cửa sông Dương Đông rất hẹp. Bởi vì nơi đây luôn bị bồi đắp bởi đất cát do dòng sông mang từ thương nguồn đến. Tốc độ bồi lắng ở cửa sông tăng lên vào mùa mưa, khi đó nước sông dâng cao và chảy xiết, bào mòn đất, đá trên đường nó chảy qua. Đọan hạ lưu sông Dương Đông đi qua là thị trấn cùng tồn tại với dòng sông này. Đây là thị trấn lâu đời và sầm uất nhất đảo Phú Quốc. Cũng giống như bao thị trấn ở đất liền, khu họp chợ của thị trấn nằm cạnh bờ sông. Vị trí này rất thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán hàng hóa trong hoàn cảnh giao thông thủy là giải pháp gần như duy nhất để lưu thông hàng hóa hai chiều với đất liền. Chỉ ngoại trừ thời gian về đêm, suốt ngày là cảnh tấp nập trên bến, dưới thuyền, buôn bán đủ loại thủy sản. Ở chợ Dương Đông, người ta có thể mua được rất nhiều loại thủy sản vừa được đánh bắt từ biển về còn tươi rói. Một bộ phận dân cư ven bờ sống bằng nghề biển nên thường thấy rất nhiều tàu cá neo đậu dọc theo hai bờ sông. Càng đi xa chợ Dương Đông, nhà cửa cũng bắt đầu thưa thớt dần, nhường chỗ cho những cơ sở tiểu thủ công nghiệp như đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, máy móc, nhà thùng nước mắm, buôn bán vật liệu xây dựng... và cây cối mọc hai bên bờ sông cũng xuất hiện càng lúc càng nhiều hơn. Phong cảnh thiên nhiên tăng dần vẻ hoang sơ với dáng núi sừng sững in bóng xuống mặt nước trong xanh.
Sông Dương Đông chỉ dài khoảng trên 10km nên từ cửa sông đi vào khoảng 3km. Nơi đây khoảng cách đôi bờ hẹp lại, lòng sông nụng hơn. Đây đó giữa lòng sông có một số cồn cát ngầm do bồi lắng tạo nên. Những bãi cát bồi giữa dòng thường là nơi sinh sống của một số loài nhuyễn thể. Tại một bãi bồi như vậy, chúng tôi gặp nhiều trẻ em lặn mò con hến. Sở dĩ hến xuất hiện ở đây là vì nước từ biển tràn sâu vào đảo làm nước sông mặn vào mùa khô, tạo nên một thứ nước lợ rất phù hợp với đời sống loài hến. Đi khoảng một phần ba chiều dài con sông, trước mắt bạn sẽ hiện ra màu xanh và dáng hình cây đước. Đây là một loài cây chỉ sinh sống ở vùng bãi bồi ven biển. Trong đất liền, loài cây này mọc thành rừng lớn. Có hai khu rừng đước nổi tiếng ở nước ta là Cần Giờ của TP.HCM và Năm Căn của Cà Mau. Sự xuất hiện của loại hình rừng ngập mặn ven sông ở
Phú Quốc làm phong phú thêm cho hệ sinh thái vốn rất đa dạng và phong phú của hòn đảo. Cây đước ven sông Dương Đông không cao và to như ở đất liền. Trên bộ rễ của chúng có rất nhiều con hàu sinh sống. Đây là một loài nhuyễn thể chỉ thấy sống theo những dải đá ven bờ biển. Loài hàu này cho thịt ăn rất ngon. Nếu cây đước sống ở nơi tiếp giáp giữa nước và bờ, thì khi rời tàu lên phía trên bờ, nơi có bãi bồi là chỗ sinh sống của nhiều loài cây khác, trong đó có những loài cây lạ, có hoa rất đẹp mà rừng ngập mặn ở đất liền chưa từng thấy bao giờ. Những bãi đất này chỉ ngập theo con nước. Nếu so sánh với đước dưới sông thì đây là một tiểu hệ sinh thái khác của rừng ngập mặn
Phú Quốc. Càng về thượng nguồn, sông Dương Đông càng bị uốn khúc. Đoạn khoảng 5km tính từ cửa sông trở vào có 3 khúc quanh. Đến một đoạn nữa thì xuất hiện một ngã năm. Đây là nơi hợp lưu của các con lạch nhỏ. Trước khi đổ ra sông, nơi hợp lưu này chia thành 2 nhánh chảy qua một cù lao nhỏ. Trên cù lao có rất nhiều cây dừa nước sinh sống. Trong 5 nhánh nơi hợp lưu, có một nhánh chính. Đó là nhánh xuất phát từ thượng nguồn của dòng sông.
Sông Dương Đông bắt nguồn từ một dòng suối chủ yếu. Con suối này được cư dân địa phương gọi là suối Đá Ngọn. Muốn lên suối Đá Ngọn thì phải đi đường bộ. Nơi đây, Bộ NN và PTNT đã cho xây dựng một hồ chứa nước ngọt để cung cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Dương Đông. Nước không chỉ từ suối Đá Ngọn chảy vào hồ, mà còn từ nhiều con suối nhỏ khác. Tổng diện tích mặt hồ và các lưu vực lên tới 16km vuông. Khu vực thượng nguồn sông Dương Đông là một vùng thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngày nay, hồ nước Dương Đông là một trong những địa chỉ mà khách thăm quan thường đến tham quan. Nếu tính từ hồ chứa nước, sông Dương Đông có chiều dài hơn 10km, là một trong những thắng cảnh có thể khai thác trải nghiệm.
Rời sông Dương Đông, bạn có thể làm một chuyến tìm hiểu sông Cửa Cạn, con sông lớn thứ hai của
Phú Quốc. Bạn có thể đi bằng đường bộ dọc theo bờ sông. So với sông Dương Đông, sông Cửa Cạn có chiều dài gần bằng. Tuy bắt nguồn từ một dãy núi nhỏ gần theo đường chim bay, nhưng do nhiều lần uốn khúc nên trở nên dài hơn. Đây là một đặc điểm chung của những dòng sông ở
Phú Quốc. Sông Cửa Cạn có cửa nằm sát một ngọn núi được gọi là Mũi Ông Quới. Đúng như tên gọi, cửa sông hẹp, có nhiều đá ngầm và rất nông, chỉ có ghe nhỏ mới ra vào được cửa sông này an toàn. Cú lẽ với địa hình hiểm trở như vậy cho nên ngày xưa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã chọn con sông này làm đường vận chuyển vũ khí, lương thực cho nghĩa quân, xây dựng căn cứ phía thượng nguồn để chống lại sự xâm nhập sâu vào đảo của tàu chiến Pháp. Trước cửa sông là một dải cồn cát dài chừng nửa km. Vào mùa mưa bão, cồn cát bị xáo trộn dữ dội cho nên cửa sông luôn bị thay đổi diện mạo và kích thước. Vùng ven cửa sông có một bãi đá trứng. Những viên đá nhỏ do bị nước liên tục bào mòn, mài nhẳn nên có hình trứng rất đặc biệt. Các rạn đá ngầm dưới nước bị xâm thực dữ dội nên có hình thù cũng rất đặc trưng. Đây là một nơi trú ngụ và kiếm ăn của nhiều loài cá, trong số này có vài loài rất đẹp, có thể làm cá cảnh.
Vùng ven bờ thuộc hạ lưu sông Cửa Cạn là nơi mà cư dân địa phương sử dụng để nuôi tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ở đây chỉ phát triển ở qui mô nhỏ, sản lượng hàng năm không nhiều, vì thiếu mặt bằng. Một khía cạnh tiêu cực trong vấn đề nuôi tôm ở ven sông Cửa Cạn là nó có khả năng làm đảo lộn hoặc ít nhất là làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái ở đây.
Cách cửa sông vài trăm mét là một vùng bãi bồi. Đây là nơi cây đước và các loài thực vật, động vật thuộc rừng trên đất ngập măn sinh sống.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi tiến sâu vào khu sinh cảnh này. Hiện ra trước mắt bạn là một số loài phong lan sinh sống trên thân cây đước. Có thể đếm được ít nhất là 4 loài phong lan ở đây. Sự phát hiện này vô cùng thú vị, vì từ trước tới nay chưa ai thấy phong lan sống trong loại hình rừng ngập mặn.
Dưới sông, có nhiều cỏ biển sinh sống. Một trong những loài sinh vật phổ biến nhất ở các dòng sông
Phú Quốc là ốc len. Sau khi những con ốc này chết đi, vỏ của chúng cũng chưa phải là đồ bỏ đi. Những cái vỏ ốc này trở thành ngôi nhà chắc chắn của một loài giáp xác (người ta gọi là "ốc mượn hồn "). Ngoài 2 con sông lớn, ở
Phú Quốc cũng có nhiều con rạch và suối. Những con rạch nhỏ và ngắn hơn sông.