Đến Phú Quốc khám phám Suối Đá Bàn thuộc xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến thăm đảo ngọc. Suối bắt nguồn từ núi Hàm Ninh - dãy núi dài nhất và cao nhất trong số 99 ngọn núi trải dài từ Bắc chí Nam của đảo Phú Quốc
Đây cũng là nguồn chính cung cấp nước ngọt cho hồ Dương Đông, với chu vi hơn 3,5 km, độ sâu có chỗ lên tới 20 m, trữ lượng nước vào khoảng 5,5 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thị trấn Dương Đông.
Từ thị trấn Dương Đông ngược lên hướng Bắc đảo, rồi men theo con đường đất đỏ đi sâu vào núi Hàm Ninh khoảng 10 km, gửi xe máy ở một quán ăn bên đường, khách len lỏi qua những vạt rừng nguyên sinh để lên suối. Từ cổng khu thăm quan, khách tiếp tục đi bộ qua cây cầu dây văng chơ vơ tiến vào rừng khoảng 15 phút là tới. Trên đường lên suối, Lữ khách tha hồ ngắm hàng chục loại lan rừng, dương xỉ bám trên các nhánh cây. Thi thoảng lại trông thấy đại mộc dên dên, cầy, dẻ... cao chót vót, dễ đến 30 m. Đặc biệt ở đây còn có cây hoa sữa, dân địa phương quen gọi là cây mùa cua, người lớn vòng tay ôm cũng chưa quá nửa thân cây. Đến lúc nghe tiếng thác ầm ào, khách cố đi thêm ít phút đã thấy con suối trong vắt hiện ra trước mắt. Phía hạ nguồn dòng suối có vẻ hiền hoà, nước chảy tràn qua những khối đá, bề ngang khoảng chục mét, trẻ em không biết bơi cũng có thể băng qua dễ dàng.
Nếu như suối Tranh hiền hoà và thơ mộng thì suối Đá Bàn có phần mãnh liệt hơn. Nó có một chút ầm ào, hùng vĩ của những con thác ở Tây Nguyên, có một chút lãng mạn, xinh xắn của các con suối vùng Tây Bắc. Con suối trong veo, cuộn trào, tung bọt trắng xoá. Ở giữa và hai bên bờ suối có rất nhiều tảng đá to và phẳng tựa như những chiếc bàn tròn ngộ nghĩnh, có lẽ vì vậy mà có tên gọi là Đá Bàn. Tương truyền, những tảng đá này là nơi các tiên nữ thường ngồi tắm mát mỗi lần hạ giới. Đá tầng tầng lớp lớp đổ dài uốn quanh về phía thượng nguồn. Đến đây vào mùa mưa, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, là lúc dòng suối hùng vĩ nhất. Khách từ phương xa tìm đến cầm lòng không đặng trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của rừng, của suối. Đi qua mấy chỗ chỉ có cây rừng, thác nước, nhiều người đã không ngần ngại lần cởi xiêm y, mắc lên nhánh cây rừng cho khỏi ướt rồi nhảy ùm xuống dòng suối mát lạnh.
Trèo lên những tảng đá đi sâu vào thượng nguồn, khách thăm quan sẽ được thưởng thức những giai điệu trầm bổng của thiên nhiên. Dưới dòng suối, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Đứng bên dòng suối róc rách, cây cối xanh tốt mát rượi, Lữ khách chợt cảm thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng. Rải rác, từng nhóm người ngồi trên những mỏm đá nghỉ ngơi hay tắm mát trong những cái ụ thiên nhiên trong vắt. Ven suối là những loại sâm, lan rừng tuyệt đẹp. Đến đây, khách thăm quan có thể bơi lội, cắm trại, vui chơi, hội hè giữa thiên nhiên và cây cỏ. Lên đến tận thượng nguồn suối Đá Bàn, chúng ta sẽ gặp một con đường mòn thời kháng chiến mà người địa phương thường gọi là đường Chính Phủ. Trên những gốc cây rừng cổ thụ còn lưu lại những dòng chữ, họ, tên, quê quán của bộ đội khắc vào thân cây trên đường hành quân vào chiến trường.
Tuy nhiên, hiện nay do sự quản lý còn quá lỏng lẻo và ý thức kém nên cảnh đẹp đang bị làm xấu dần. Mặc cho biển cấm mang thức ăn, đốt lửa treo ở ngoài cổng, nhưng Lữ khách thập phương vẫn đến đây ăn uống, cắm trại và vô tư… xả rác. Hơn thế nữa, hiện tượng "tắm tiên" đang ngày càng biến tướng tại khu vực này. Người dân địa phương cho biết, nhiều "tiên nữ" chủ yếu là phục vụ nhà hàng, quán nước ở Dương Đông, thường đến suối Đà Bàn để tắm tiên cho khách thăm quan xem, hoặc tắm cùng Lữ khách , để nhận tiền boa. Thậm chí, nếu khách có nhu cầu, một vài "tiên nữ" sẵn sàng phục vụ ngay tại suối. Những vấn đề này nếu không giải quyết sớm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên và văn hoá của suối Đá Bàn. Cảnh đẹp thiên nhiên chỉ có thể đẹp mãi nếu con người biết trân trọng và gìn giữ để nó mãi mãi là vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết.